Chữ Lễ và đạo đức giả dưới mái trường

Chữ ‘Lễ’ (theo quan điểm Khổng giáo) đang biến tướng thành những thực tiễn đặc thù: “lão làng”, nạn “cò”, giáo viên “đì” các “con học sinh”, để tống tiền.

Lão làng

Ở Việt Nam nếu hai ứng viên “tám lạng, nửa cân”, người ta hay chọn người tuổi cao hơn, cho là “chín” hơn. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có “cây đa, cây đề”, sừng sững “sống lâu lên lão làng”, chuyên đưa ra những “thánh chỉ”. Người sinh sau đẻ muộn, dù là đồng nghiệp, khó giành quyền phát biểu chính kiến với “chiếu trên”.

Phàm là “ngoại nhân” chớ dại mà nói động đến lĩnh vực không phải của mình, kẻo bị những người, đã sinh tử cho nghiệp ấy bấy nay, mắng: “lãnh địa” của tôi là chỗ anh bày “bàn cờ thiên hạ” à (!).

Nhiều “lão làng” cố "thả" vào đầu óc những người trẻ hơn một nỗi sợ vô căn cứ (như đặt ra “tục lệ” học sinh phải xưng ‘con’ ). Dưới các bậc phụ mẫu ở trường (nếu ăn tiền nhưng đạo đức giả), giống như ở mọi môi trường nhũng nhiễu, có những “cò”, thường ứng cử vào các chức vụ ở Ban phụ huynh học sinh, với những “sáng kiến” phú quý sinh lễ nghĩa …

“Lễ” áp đặt, sống sượng

Từ khi xuất hiện khẩu hiệu: “tiên học lễ - hậu học văn”, cũng xuất hiện ngôi “con” trong không gian giáo dục.

Bị đánh tụt hạng trên thang tôn ti kiểu Việt, học sinh, thậm chí sinh viên, chịu một cổ hai tròng: vừa là trò, vừa là con (trước là “em”).

Người ta làm điều này một cách ép buộc, không hỏi ý kiến các em và phụ huynh. Bị bất ngờ trước chiêu trò nô dịch mới này, nhưng thật “khó đỡ”, vì nó được che chắn bởi đạo đức giả (tự đặt mình lên ngôi cha – mẹ, một hành vi giả nhân, giả nghĩa).

Đạo đức giả là cái vỏ của hiếu danh, nhưng chủ yếu là để che đậy sự vụ lợi. ‘Lễ’ đẻ ra đạo đức giả cho trò: trước mặt gọi cô xưng con, sau lưng gọi “con giáo”. “Lễ” tạo điều kiện để áp đặt, giáo điều: trên bảo dưới phải răm rắp tuân theo. Đạo đức giả và giáo điều là “anh em một nhà”. Nhưng càng áp đặt, giáo điều, càng khó lường các hậu quả kiểu “già néo đứt dây”.



Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta…

Trong cuộc sống, nhiều người “bề trên” quen thói gia trưởng, buộc kẻ dưới phải quy thuận mọi nhời răn dạy; mọi phúc đáp theo hướng khác dễ bị coi là dám “nói ngang”, “cãi lại”, “vô lễ”. Bề dưới vâng vâng dạ dạ, nhưng nghĩ mẹo làm theo ý mình sau lưng “các cụ”, dần dà thành nét văn hoá “khuất mắt trông coi”. Có lẽ từ đây xuất hiện thực tiễn “phá rào” trong thực hiện các chỉ thị “soạn thảo trên trời”? Do đây mà chật vật hình thành văn hóa phản biện?

Chữ “lễ” tạo ảo tưởng: nhờ thứ bậc trong họ cao hơn, được quyền xưng bác, xưng ông với người có họ với mình nhưng nhiều tuổi hơn. Thày cô còn ít tuổi nhưng được suy tôn lên bậc phụ mẫu, lúc đầu còn e ấp, khi vào vai rồi thí quả là sống sượng (cynic), trong “mắt ai”.

Có xu thế “chơi đồ cổ” (sùng cổ) trong nghiên cứu, học thuật, theo Đặng Thai Mai… Có phải vì thế mà Khổng Tử có vẻ được trọng hơn một số học giả khác sinh sau, trong cổ sử Trung Quốc. Học giả đề cao cai trị bằng pháp luật là Hàn Phi tử ít được nhắc đến. Hôm nay, khi các chuẩn mực đánh giá phẩm chất thường ở dạng xuê xoa, làm phép, tiêu chuẩn “thâm niên” được chấp nhận rộng rãi, “kính lão đắc thọ”.

Xem thường luật pháp, nhân phẩm

Theo Kinh Thư được Khổng Tử viết tựa, có giai cấp đứng trên pháp luật, hưởng đặc quyền, và giai cấp khác cam chịu phận nô dịch, ngu dân: “Hình bất thượng đại phu, lễ bất hạ thứ nhân”.

Khổng Tử cho rằng quan trên phạm tội không bị xử lý theo pháp luật (hình bất thượng đại phu). Theo chữ “lễ” của Khổng tử thì “tiện dân” và “tiểu nhân” chỉ là nửa chữ nhân, là nhân cách không đầy đủ, so với con ông cháu cha (quý tộc). Lễ là công cụ “để phân biệt quý tiện”.

Thời Xuân Thu, nước Tấn đúc vạc để chép hình luật (pháp luật), Khổng Tử phán: nước Tấn rồi sẽ mất thôi. Trên thực tế, nước Tần, nhờ có vua áp dụng hình luật cho toàn dân và không coi nhẹ thương mại, công nghệ (như quan điểm Khổng giáo), đã dần thôn tính các nước khác thời Chiến quốc, trở thành bá chủ (triều Tần Thủy Hoàng). Theo sử sách, Khổng Tử là một người đầu tiên thách thức nền văn minh, bằng cách coi thường luật pháp, ngay ở “buổi bình minh của văn minh nhân loại”.

Ý kiến học giả

Lão Tử, người được xem là cùng thời với Khổng Tử, từng kịch liệt phản đối chữ lễ của Khổng, ông coi đó là “nguồn gốc của mọi sự bất bình đẳng, của mọi sự thống khổ trong xã hội”.

Học giả nổi tiếng Nhật Bản Fukuyama Yukichi (1834 – 1901): “Lễ là để xui khiến người ta cúi đầu phục tùng…”

Wilfred Burchett cho rằng cách dạy, cách truyền bá tư tưởng kiểu thày Khổng Tử đòi hỏi riết róng một sự phục tùng không chất vấn (Confucian exigency of unquestioned loyalty). Sự “trung tín” như thế thường đặt kẻ dưới vào thế tiến thoái lưỡng nan đầy bi kịch trong đời thực bởi những giáo điều kiểu Khổng.

Theo Đặng Thai Mai, chữ Nhân và chữ Lễ là hạt nhân tư tưởng của Khổng giáo. Nhưng Cao Xuân Huy chỉ ra Khổng tử đã tự mâu thuẫn ngay từ gốc: theo Khổng giáo, chữ Nhân có thuộc tính phổ cập, là khái niệm đứng ngoài giai cấp, và gắn với chữ Lễ. Nhưng Lễ lại là “chính trị tôn giáo hóa của giới quý tộc” (Cao Xuân Huy), vì “lễ không xuống đến thường dân”. Vậy lễ chứa bất công, bất bình đẳng, tức là “vi lễ bất nhân’(?)

Học giả Trung Quốc cho rằng, theo Khổng Tử hôm nay sẽ bị cuốn theo tư tưởng khuất phục cường bạo, vì Khổng/Nho không trọng“chí nhân”, chỉ ca ngợi “nhân nghĩa” kiểu đạo đức giả, sống sượng (nguyên văn: khuyển nho, cynic), gieo mầm “sùng bái bạo lực” .

Thật vậy, “lễ nghĩa” có thể thành “binh khí” để tống tiền. Theo Lady Borton trên một số Tết của báo Quân đội Nhân dân, “tống tiền (trong giáo dục, y tế) còn tệ hơn ăn của đút”. Lady là tác giả cho rằng trường lớp của Việt Nam dạy cách đút lót.

Nay mượn “tiên học lễ” đem “gia phong” vào trường lớp, các“sư hổ mang” của “thánh đường” sư phạm đời mới dạy trẻ không phản ứng khi bị “trấn lột”. Vẫn còn những chiêu “đì” các “con học trò” ép học thêm, như truyền thông phản ảnh. Cháu của người viết bài này không ít lần bị cô giáo lớp 2 đánh, khá đau, trước khi phụ huynh nhận nhắn tin của cô về các khoản thu (ngoài sổ sách).

Để trẻ em thực sự lễ phép, lễ độ, trước hết phải trả lại các giá trị của xã hội công dân cho môi trường sư phạm: không tạo những xưng hô thiếu bình đẳng, không tái hiện lễ giáo phong kiến, và nhất là không “mua bán điểm”, không “tống tiền”.

Lê Đỗ Huy
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/141205/chu-le-va-dao-duc-gia-duoi-mai-truong.html

LỜI BÌNH: Lễ là gì? Đâu là giá trị của xã hội công dân cho môi trường sư phạm? Xưng hô như thế nào là bình đẳng, như thế nào là thiếu bình đẳng?... Quá nhiều quan điểm chủ quan trong bài viết này chưa giải đáp một cách thoả đáng, thể hiện một cách nhìn đầy phiến diện về bản chất của Lễ lẫn thực tế cuộc sống. [Trí Không]
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Diễn đàn

Bài đăng mới nhất