Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Tây lịch. Hơn hai ngàn năm có mặt trên đất nước ta, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, nghĩa là giáo pháp của Đức Phật có mặt trong thế gian, không rời khỏi thế gian mà có thể nhận thức rõ được.
Phật pháp không phải là một thế giới khác hoặc một sản vật trong cảnh giới tách rời khỏi xã hội thế tục. Không thể chấp trước vào sự phân chia tuyệt đối hóa giữa thế gian và xuất thế gian; rời khỏi thế gian để tìm cầu sự giác ngộ trong Phật giáo là việc không có kết quả. Người Phật tử Việt Nam cũng sốt sắng hành trì mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, một trong những vị đại Bồ-tát rất quen thuộc với đại chúng, mà lời đại nguyện thứ chín của Ngài là “hằng thuận chúng sanh,” thể hiện tinh thần phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Từ nhận thức chủ đạo ấy, nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam luôn sẵn sàng xả thân tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần xây dựng hòa bình trong khu vực và thế giới.
Thế nhưng, bên cạnh nhiều thành tựu và những giá trị tích cực đã đạt được của hoạt động Phật giáo trên cả nước, cũng xuất hiện không ít những thách thức và rào cản cho sự phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Thật vậy, chịu sự tác động tiêu cực từ những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, và của hội nhập quốc tế, sinh hoạt Phật giáo ở nước ta trong những năm gần đây đã xuất hiện xu hướng thế tục hóa trong nhiều lãnh vực và có vẻ ngày càng mở rộng những mặt tiêu cực. Đây là một trong những vấn đề cần được hết sức quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
1. “Thế tục hóa” trong Phật giáo hiện nay – một số vấn đề cần quan tâm
Từ lâu, khái niệm “thế tục hóa” đã được không ít nhà nghiên cứu đề cập như một trào lưu tư tưởng, có tác động và ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của những người tu hành; gần đây, vấn đề thế tục hóa lại được hâm nóng bằng nhiều tranh luận liên quan đến các học thuyết xã hội học về tôn giáo, kinh tế học về tôn giáo…
Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2009 thì “thế tục” là tập tục ở đời; là đời sống trần tục, đối lập với đời sống tu hành theo quan điểm của tôn giáo”. Ở đây, thế tục được hiểu theo nghĩa đời sống trần tục. Như vậy, thế tục hóa chính là việc đưa tôn giáo vào đời sống thường ngày, thật sự thể hiện tinh thần gắn bó với cuộc sống con người của các định chế tôn giáo, biến những giáo lý khô cứng hướng đến giải thoát của tôn giáo thành những bài học sống động để có thể áp dụng vào việc xây dựng một xã hội hiền thiện. Với xu hướng thế tục hóa tôn giáo theo quan điểm vừa nêu, ngoài nỗ lực hướng đến một cuộc sống giải thoát dành cho những vị xuất gia đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống thế tục chuyên tâm tu hành, hoạt động Phật giáo còn hướng vào các vấn đề của đời sống xã hội, thể hiện được tinh thần Phật giáo gắn bó với con người và dân tộc, đồng hành cùng đất nước, phát huy được truyền thống yêu nước và tinh thần xây dựng đất nước, tạo được một khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng các lĩnh vực hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo như: nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ người tàn tật, ủng hộ người có hoàn cảnh hiểm nghèo, thực hiện nồi cháo tình thương tại bệnh viện, xây dựng nhà tình thương, tham gia cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt, tham gia các dự án tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS…; từ đó, khẳng định thái độ “nhập thế” của hạnh nguyện bồ-tát trong giáo lý nhà Phật.
Điều đáng tiếc là đã có không ít nhận thức lệch lạc trong việc thế tục hóa tôn giáo, dẫn đến việc gắn đời sống tu hành với thái độ thực dụng, với tinh thần thụ hưởng của nền kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ, chạy theo các giá trị vật chất… Vậy, thực chất của những tiêu cực trong xu hướng thế tục hóa của Phật giáo hiện nay là gì? Tại sao những vấn đề này cần phải được quan tâm giải quyết?
Theo quy luật vận động khách quan của tiến trình lịch sử xã hội, thì sự biến đổi của Phật giáo đương đại, đặc biệt là trong mối tương quan giữa đạo và đời ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng hòa hợp, là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là ở một số cơ sở thờ tự và trong một bộ phận Tăng, Ni Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, sự biến đổi này đang diễn ra theo xu hướng tiêu cực, nếu không muốn nói là chệch hướng với mục tiêu tốt đẹp phục vụ đạo pháp và dân tộc. Có thể thấy điểm nổi bật là sự gia tăng các yếu tố dị đoan trong lễ nghi Phật giáo cùng với sự sa sút về phẩm hạnh của một bộ phận Tăng, Ni, tín đồ. Nhiều nhà chùa đang là nơi diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan như: đồng bóng, xóc thẻ, bói toán; nhiều Tăng Ni không hành đạo theo tôn chỉ Phật giáo mà chỉ lo toan, mưu lợi về tiền bạc hay phẩm trật.
Đồng ý rằng chính những khát vọng trần thế về sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, giàu sang… của con người qua các chiêu bài cùng với tình trạng núp bóng cầu cúng, nhờ cậy ở trời Phật đã khiến cho sinh hoạt ở chốn thiền lâm dần dần trở nên thực dụng, xa rời giáo lý truyền thống; nhưng không thể đổ lỗi rằng “vì có cầu nên có cung” trước tình trạng một số cơ sở của Phật giáo bị dung tục hóa, tầm thường hóa, thương mại hóa, một số nhà chùa không còn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm trang trọng vốn có, chỉ khói nhang nghi ngút, cầu cúng râm ran, vàng mã lan tràn; còn với Phật pháp, với nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh thì thờ ơ, lãnh đạm. Nhiều hoạt động của Phật giáo từ thuần túy tôn giáo, nhằm mục đích đáp ứng cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh hướng thiện của con người, khi chạy theo mặt trái cơ chế thị trường, chạy theo các nhu cầu tầm thường của một số người đã nảy sinh sự lai tạp, pha trộn với mê tín, dị đoan, cũng vì vậy trở thành mảnh đất béo bở cho không ít kẻ đội lốt tôn giáo thực hiện việc “buôn thần bán thánh”, mị dân, làm suy giảm niềm tin của tín đồ Phật tử vào con đường đến với sự giải thoát trong Phật giáo. Hiện tượng “sư không ra sư, chùa không ra chùa” trên thực tế vẫn còn tồn tại ở không ít nơi, một số cơ sở thờ tự trở thành “lãnh địa” riêng của vị trụ trì và ít chịu sự quản lý, giám sát của Giáo hội nên nảy sinh không ít tiêu cực…
Những biểu hiện trên hoàn toàn đi ngược lại với chính tôn chỉ và đường hướng hành đạo chân chính của Phật giáo. Vì vậy, để giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng trong việc bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thì việc nhanh chóng xây dựng các biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.Xu hướng thế tục
2. Thử tìm giải pháp thích hợp
Ai cũng biết rằng Phật giáo vẫn có sẵn một hệ thống giáo luật chặt chẽ, đã được cụ thể hóa thành các điều luật áp dụng cho tất cả các Tăng, Ni và tín đồ Phật tử như các bộ luật Tứ phần, luật Ngũ phần, luật Ma-ha Tăng-kỳ… Hệ thống giáo luật ấy đã được chế định bởi chính Đức Phật, truyền qua suốt 26 thế kỷ và được nhiều thế hệ người con Phật gìn giữ nghiêm mật, giúp cho Phật giáo phổ biến đi khắp nơi mà vẫn có được sự nhất quán của một Tăng-già giải thoát, là một chân đứng vững vàng của Tam bảo, làm nơi quy ngưỡng cho toàn thể Phật tử trên khắp thế giới. Phật giáo Việt Nam tồn tại hơn hai ngàn năm trải qua bao sóng gió cũng là nhờ tinh thần nghiêm trì giới luật của các bậc Thánh tăng Việt Nam luôn có mặt ở bất kỳ thời đại nào. Vì vậy, điều trước tiên cần làm để chặn đứng xu hướng thế tục hóa tiêu cực trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay phải là tăng cường việc thi hành giới luật nhà Phật trong mọi tổ chức Tăng-già.
Vào năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, một Hiến chương của Giáo hội đã được mọi hệ phái chấp nhận để thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, xây dựng các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương với những ban, ngành, viện… đủ phục vụ cho việc hoằng pháp độ sanh. Bản Hiến chương ấy theo thời gian cũng đã bộc lộ những thiếu sót, cần được tu chỉnh, nhất là trong thế giới có những biến chuyển nhanh chóng như ngày nay.
Phật giáo có cả một hệ thống các quan niệm về không, khổ, vô ngã, duyên sinh, từ bi, hỷ xả… khuyên mọi người phải luôn biết tự tu tâm, dưỡng tính bởi vạn pháp chỉ là vô thường, cái tôi chỉ là sự hợp tan của ngũ uẩn. Với những nguyên tắc và chuẩn mực trong Ngũ giới, Thập thiện, Tam học; với phương thế ứng xử hòa hợp như trong Lục hòa, với tư tưởng về giải thoát, hướng tới xây dựng con người có giá trị nhân bản và xây dựng một xã hội không có chế độ người bóc lột người, không có sự phân biệt về đẳng cấp; từ tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” Phật giáo Việt Nam luôn đề cao tinh thần xây dựng cuộc sống “chân, thiện, mỹ”, cũng vì vậy đã làm cho đạo đức của Phật giáo hòa quyện vào đạo đức của dân tộc, trở thành nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa đạo đức con người Việt Nam. Do đó, thiết nghĩ giải pháp cần được xây dựng để làm đối trọng với những tiêu cực trong xu hướng thế tục hóa tiêu cực hiện nay là tăng cường phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa của Phật giáo trong đời sống tu hành nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung. Việc làm này của Giáo hội Phật giáo cũng chính là đã góp phần cùng nhân dân cả nước tham gia thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đức Phật vẫn dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa Chánh pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác”. Trả lời câu hỏi con người cần làm gì để giải thoát khỏi bể khổ của cuộc đời này thì giáo lý nhà Phật dạy rằng con người phải tự sử dụng chính cuộc đời của mình tu tập theo những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ rõ trong Kinh Luận để chuyển hóa tâm thức, nhận biết đúng bản chất cuộc sống, nhờ đó từng bước thoát khỏi luật nhân quả, chứng đắc Niết- bàn. Như vậy, đạo Phật là con đường mỗi người tự đi và tự tới đích dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân mình chứ không phải là nhờ sự ban ơn của bất kỳ một đấng thần linh nào. Ngay cả Đức Phật là người đã vạch ra con đuờng đó cũng không thể cứu độ được những ai không tinh cần tu tập giải thoát.
Từ xưa đến nay “Phật giáo luôn là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, nhưng chỉ có thể giữ vững, tôn cao được vai trò, vị trí của mình ở thời đương đại, nếu tiếp tục thể hiện là tấm gương về trí tuệ và đạo hạnh; là lực lượng đi đầu các tôn giáo ở nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”1. Do đó, đứng trước những hạn chế và tác động tiêu cực nảy sinh như được phân tích ở trên, việc hình thành được những giải pháp phù hợp, từ đó làm trong sạch, thuần túy các hoạt động của Phật giáo, khiến cho niềm tín ngưỡng của nhân dân đặt vào Phật giáo được tôn trọng, phải là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.
Đinh Đức Hiền
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!