Bàn về tình yêu


Tình yêu có kỷ luật

Một người yêu thương đích thực xử sự theo tự kỷ luật và một mối quan hệ yêu thương đích thực còn là một mối quan hệ có kỷ luật. Nếu tôi yêu thương thực sự một người khác, đương nhiên tôi sẽ xử sự như thế nào để có thể đóng góp nhiều nhất vào sự trưởng thành tinh thần của người ấy.

Tôi đã có lần làm việc với một đôi vợ chồng trẻ, thông minh, nghệ sĩ và "lãng du". Họ đã có một cuộc hôn nhân bốn năm đánh dấu bằng những cãi vã la hét, đĩa bay, cấu xé gần như hàng ngày, những vụ ngoại tình hàng tuần và những vụ bỏ nhau hàng tháng. Sau khi chúng tôi làm việc một thời gian ngắn, mỗi anh chị đều nhận thức đúng đắn rằng việc trị liệu có thể đưa họ đến việc gia tăng tự kỷ luật, và do đó đến một mối quan hệ bớt lộn xộn hơn. "Nhưng ông muốn đam mê ra khỏi mối quan hệ của chúng tôi",họ nói. "Những quan niệm của ông về tình yêu và hôn nhân không dành một chỗ nào cho đam mê". Gần như lập tức ngay sau đó họ bỏ ngang việc trị liệu, và người ta cho tôi biết rằng ba năm sau đó, sau nhiều đợt trị liệu với những bác sĩ trị liệu khác, những trận la hét hàng ngày và cái khuôn mẫu hỗn loạn của cuộc hôn nhân của họ tiếp tục không thay đổi, cũng như sự cằn cỗi trong đời sống cá nhân của họ. Không nghi ngờ gì, sự kết hợp của họ, theo một nghĩa nào đó, là một bức tranh rất nhiều màu. Nhưng nó giống như những màu cơ bản trong những bức tranh của trẻ con, tung tóe trên giấy một cách tùy tiện, đôi lúc cũng không phải là không hấp dẫn, nhưng tựu trung diễn tả sự đơn điệu cố hữu của nghệ thuật của bọn trẻ. Trong những gam màu câm lặng, dồn nén của Rembrandt người ta vẫn có thể tìm thấy màu sắc, sự phong phú, độc đáo và ý nghĩa hơn rất nhiều. Đam mê là cảm xúc rất sâu sắc. Việc một cảm xúc không kiểm soát dù gì cũng không cho thấy là sâu sắc hơn một cảm xúc được kiểm soát. Trái lại, các nhà trị liệu hiểu rõ sự đúng thật của những câu tục ngữ xưa như "Thùng rỗng kêu to" và "Sông sâu, nước tĩnh". Chúng ta không nên nghĩ rằng một người có những cảm xúc điều hòa và được kiểm soát không phải là người đam mê.

Mặc dù chúng ta không nên nô lệ các cảm xúc, nhưng sự tự chế không có nghĩa là nghiền nát các cảm xúc thành hư không. Tôi thường nói với các bệnh nhân rằng những cảm xúc là những tên nô lệ của họ và nghệ thuật tự chế giống như nghệ thuật chiếm hữu nô lệ. Trước hết, những cảm xúc của một người là nguồn năng lượng của người đó; chúng cung cấp mã lực, hay sức lực của nô lệ, giúp chúng ta có thể hoàn thành những công việc trong cuộc sống. Vì chúng làm việc cho chúng ta, nên chúng ta phải đối xử kính trọng với chúng. Có hai điều sai lầm thông thường mà những người chủ nô lệ có thể mắc phải là thể hiện những hình thức trái ngược và thái quá của sự chỉ huy. Một kiểu chủ nô lệ không kỷ luật các nô lệ, không cho chúng một cấu trúc, không vạch những giới hạn cho chúng, không định hướng cho chúng và không làm cho rõ ai là chủ. Đương nhiên, điều xảy ra là đến lúc các nô lệ ngừng công việc và bắt đầu tiến vào nhà, lục tủ rượu, đập phá đồ đạc, thì ông chủ nô lệ sẽ sớm thấy rằng mình là nô lệ của các nô lệ của mình, sống trong hỗn độn như kiểu của đôi vợ chồng "lãng du" rối loạn tính cách nói ở trên.

Nhưng cung cách chỉ huy trái ngược lại, mà người nhiễu tâm gây tội ác thường áp dụng cho những cảm xúc của mình, thì cũng tai hại không kém. Theo cung cách này thì người chủ nô lệ bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ những (cảm xúc) nô lệ có thể thoát khỏi sự kiểm soát và quá xác quyết rằng để chúng khỏi gây rắc rối thì phải thường xuyên đánh đập chúng bắt chúng khuất phục và trừng phạt chúng thật gắt mỗi khi thoáng thấy chúng có dấu hiệu mạnh lên. Kết quả của kiểu cách này là trong một thời gian tương đối ngắn giữ được trật tự, những nô lệ này trở nên càng lúc càng kém năng suất vì ý chí của chúng bị hủy hoại bởi sự đối xử khắt khe mà chúng phải chịu. Hoặc ý chí của chúng càng ngày càng quay sang ngấm ngầm phản loạn. Nếu tiến trình này diễn ra đủ lâu thì một đêm kia điều tiên đoán của ông chủ cuối cùng trở thành sự thật và các nô lệ nổi dậy, đốt nhà, và thường có ông chủ ở bên trong. Nguồn gốc phát sinh của những chứng loạn tâm và nhiễu tâm nặng là như thế. Sự quản lý thích đáng những cảm xúc rõ ràng nằm ở con đường trung dung, quân bình, phức tạp (và do đó không đơn giản hoặc dễ dàng), đòi hỏi sự cân nhắc kiên trì và sự điều chỉnh liên miên. Ở đây người chủ đối xử các cảm xúc (nô lệ) với sự tôn trọng, nuôi dưỡng chúng bằng thức ăn bổ dưỡng, nhà ở và thuốc men, lắng nghe và đáp lại những tiếng kêu của chúng, khuyến khích chúng, hỏi thăm sức khỏe, đồng thời cũng phải tổ chức chúng, giới hạn chúng, giải quyết các tranh chấp giữa chúng, uốn nắn chúng và chỉ dạy chúng, suốt thời gian đó phải xác định rõ ràng ai là chủ. Đây là con đường tự chế lành mạnh.

Trong số những cảm xúc phải được đưa vào khuôn phép như thế có cảm xúc yê thương. Như tôi đã chỉ rõ đây không phải là tình yêu đích thực, nhưng là cảm xúc được kết hợp với sự đầu tư năng lượng, nó phải được tôn trọng và nuôi dưỡng rất nhiều vì nó mang năng lượng sáng tạo, nhưng nếu cho phép nó tung hoành phóng túng thì kết quả sẽ không phải là tình yêu đích thực mà là sự hỗn loạn và sự cằn cỗi. Vì tình yêu đích thực mà là sự hỗn loạn và sự cằn cỗi. Vì tình yêu đích thực bao gồm sự mở rộng bản ngã và, dù muốn hay không, kho năng lượng cũng giới hạn như giờ giấc một ngày của chúng ta. Chúng ta không thể nào yêu tất cả mọi người. Quả thật, chúng ta có thể có một cảm xúc yêu thương dành cho loài người, và cảm xúc này có thể cũng hữu ích vì nó cung cấp cho chúng ta đủ năng lượng để thể hiện tình yêu đích thực đối với một vài cá nhân đặc trưng nào đó. Nhưng tình yêu đích thực dành cho một số ít cá nhân nào đó là tất cả những gì nằm trong khả năng của chúng ta. Cố gắng vượt những giới hạn năng lượng của chúng ta tức là cho nhiều hơn những gì mình có thể cho, và có một điểm giới hạn mà nếu cố gắng vượt qua đó để yêu tất cả mọi người đến với chúng ta thì sẽ trở thành phỉnh lừa và có hại cho chính những người chúng ta muốn giúp đỡ. Vì thế nếu chúng ta có đủ may mắn để ở trong một vị trí mà nhiều người cần đến sự quan tâm của chúng ta, thì chúng ta phải chọn trong số họ người mà chúng ta thực sự phải yêu thương. Sự lựa chọn này không dễ dàng gì; nó có thể rất đau khổ, như việc đảm nhận quyền lực của Thượng đế vẫn thường như thế. Nhưng phải chọn lựa. Cần phải xem xét nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khả năng của người tương lai sẽ đón nhận tình yêu của chúng ta có đáp ứng được tình yêu đó bằng sự trưởng thành tinh thần không. Khả năng này khác biệt ở từng người, việc này sẽ được xem xét nhiều hơn về sau. Tuy nhiên, không thể chối cãi là có nhiều hơn về sau. Tuy nhiên, không thể chối cãi là có nhiều người tâm hồn khóa chặt sau áo giáp không thể xâm nhập được đến nỗi dù cố gắng rất nhiều để nuôi dưỡng cho sự trưởng thành của tâm hồn, họ cũng đành phải thất bại. Cố gắng yêu một người không thể tận dụng tình yêu của bạn để trưởng thành về mặt tinh thần thì chỉ là phung phí năng lượng của bạn, chỉ là gieo hạt trên đất khô cằn. Tình yêu đích thực thật quí giá và những ai có khả năng yêu đích thực đều biết rằng năng lực yêu thương của họ cần được huy động càng hiệu quả càng tốt thông qua sự tự chế.

Câu chuyện về vấn đề yêu thương quá nhiều người cũng cần được xem xét. Ít ra có một số người có thể cùng một lúc yêu nhiều người, cùng một lúc giữ được một số mối quan hệ yêu thương đích thực. Sự việc này tự nó là một vấn đề có nhiều lý do. Một trong những lý đo dó là do huyền thoại Tây phương và Mỹ về tình yêu lãng mạn cho rằng người ta "có số dành cho nhau"; vì thế do phép loại suy, họ không được dành cho một người thứ ba nào khác nữa. Như vậy cây chuyện huyền thoại này xác nhận tính độc quyền đối với những mối quan hệ yêu thương, nhất là tính độc quyền đối với những mối quan hệ yêu thương, nhất là tính độc quyền trong quan hệ tính dục. 

Xét mọi mặt thì huyền thoại này hẳn nhiên là hữu ích trong việc góp phần đem lại sự ổn định và hiệu suất của những mối quan hệ của con người, bởi vì đại đa số con người nhờ đó ý thức được giới hạn khả năng mở rộng chính mình nên chỉ phát triển những mối quan hệ yêu thương đích thực với mỗi chồng (vợ) con cái mình mà thôi. Quả thực, nếu ta nói được rằng ta đã xây dựng những mối quan hệ yêu thương đích thực với bạn đời và con cái mình, thì ta đã thành đạt nhiều hơn đa số người đạt được trong một cuộc đời. Thường có một cái gì đó lâm ly thống thiết đối với người thất bại không xây dựng được gia đình mình thành một gia đình yêu thương bên ngoài gia đình. Bổn phận thứ nhất của một người biết yêu thương đích thực luôn luôn là bổn phận đối với mối quan hệ với người bạn đời và con cái mình. Tuy nhiên có một số người mà khả năng yêu thương của họ lớn đủ để họ xây dựng thành công những mối quan hệ yêu thương trong gia đình và còn có năng lượng dành cho những mối quan hệ khác nữa. Đối với những người này, huyền thoại về tính độc quyền kia không những sai một cách rõ ràng, mà còn thể hiện một sự giới hạn không cần thiết trên cái khả năng ban phát chính mình cho người khác bên ngoài gia đình. Việc vượt quá sự giới hạn này là điều có thể nhưng sự hết sức tự chế mình là cần thiết trong việc mở rộng bản thân để tránh việc "căng mình ra quá mỏng". Chính vấn đề vô cùng phức tạp này (chỉ được lướt qua ở đây) mà Joseph Fletcher thần học gia Thánh Công Hội, tác giả của cuốn The New Morality (Nền luân lý mới) đã nhắm đến khi ông trực tiếp nói với một người bạn của tôi: "Tình yêu tự do là một lý tưởng. Đáng tiếc, đó là một lý tưởng mà rất ít người trong chúng ta có thể đạt được." Điều ông muốn nói là rất ít người trong chúng ta có một khả năng tự chế lớn đủ để duy trì những mối quan hệ xây dựng tức là sự yêu thương đích thực bên trong và bên ngoài gia đình. Tự do và kỷ luật là những nô tì; không có kỷ luật của tình yêu đích thực, tự do luôn luôn là không yêu thương và phá hoại.

Tình yêu là sự khác biệt

Mặc dù việc nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của người khác có ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của chính mình, một đặc tính chủ yếu của tình yêu đích thực là sự phân biệt giữa mình và người khác luôn luôn được duy trì và gìn giữ. Một người yêu thương đích thực luôn nhận biết người mình yêu như một người có một bản thể hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, một người yêu thương đích thực luôn tôn trọng và thậm chí còn khuyến khích sự khác biệt này và cá tính duy nhất của người mình yêu. Tuy nhiên việc không nhận biết và tôn trọng sự khác biệt này rất thường xảy ra, và đó chính là nguyên do của nhiều chứng bệnh tâm thần và nỗi đau khổ không cần thiết.

Hình thức tột cùng của việc không nhận biết sự khác biệt của người khác được gọi là tính ái kỷ. Những người mắc chứng ái kỷ thường không thể nhận biết con cái, vợ (chồng) hoặc bạn bè là khác biệt với họ ở mức độ tình cảm. Lần đầu tiên tôi bắt đầu hiểu tính ái kỷ là gì là trong lần gặp bố mẹ của một bệnh nhân bị bệnh phân liệt mà tôi gọi là Susan X. Susan lúc ấy ba mươi mốt tuổi. Từ hồi mười tám tuổi cô đã nhiều lần có ý tự sát rất nghiêm trọng, và đã phải nhập viện gần như liên tục ở nhiều bệnh viện và dưỡng đường khác nhau suốt mười ba năm qua. Tuy nhiên vì nhờ sự chăm sóc cấp cao về tâm bệnh mà cô đã nhận được từ các bác sĩ tâm bệnh khác trong những năm đó nên cuối cùng cô đã bắt đầu cải thiện. Trong suốt những tháng chúng tôi làm việc chung cô đã chứng tỏ một khả năng tăng dần mức độ tin cậy những người đáng tin, phân biệt giữa người đáng tin và người không đáng tin, chấp nhận mình đã bị bệnh phân biệt và muốn áp dụng thật nhiều biện pháp tự kỷ luật trong khoảng đời còn lại để trị chứng bệnh này, tự trọng và làm những gì cần thiết để tự chăm lo cho mình mà không phải dựa vào sự nuôi dưỡng của người khác. Vì sự tiến bộ vượt bực này tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa Susan có thể rời bệnh viện và lần đầu tiên trong đời cô sẽ có được cuộc sống độc lập thành công. Chính lúc ấy tôi gặp bố mẹ của cô, một đôi vợ chòng hấp dẫn, giàu có, tuổi ngoài năm mươi. Tôi rất vui vẻ kể cho họ nghe sự tiến bộ to lớn của Susan và giải thích thật chi tiết những lý do sự lạc quan của tôi. Nhưng thật quá bất ngờ, ngay sau khi tôi bắt đầu giải thích, mẹ của Susan bật khóc lặng lẽ và tiếp tục khóc khi tôi cứ tiếp tục bức thông điệp hy vọng của tôi. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ những giọt nước mắt của bà là những giọt nước mắt của niềm vui, nhưng rõ ràng qua sự biểu lộ của bà thì bà đang cảm thấy buồn thật. Sau cùng tôi nói: "Thưa bà X. tôi rất thắc mắc. Hôm nay tôi kể cho bà những chuyện tràn trề hy vọng, thế mà trông bà có vẻ buồn". "Tất nhiên là tôi buồn", bà trả lời: "Tôi không thể không khóc được khi nghĩ về tất cả những gì mà Susan tội nghiệp phải chịu".

Thế rồi tôi đi vào chuyện giải thích dài dòng cái hậu quả là quả thật Susan đã đau khổ rất nhiều trong thời gian bị bệnh này, nhưng cô cũng học được nhiều điều từ nỗi khổ đau này, cô đã đau khổ đến tột cùng, mà theo ước tính của tôi, trong tương lai cô sẽ không đau khổ hơn một người trưởng thành nào khác nữa. Thực vậy, cô sẽ đau khổ ít hơn chúng ta rất nhiều vì sự khôn ngoan mà cô đã có được từ cuộc chiến đấu với bệnh phân liệt. Bà X. vẫn tiếp tục khóc lặng lẽ.

"Thành thật mà nói, tôi vẫn thắc mắc, thưa bà X.", tôi nói. "Hơn mười ba năm qua chắc bà đã dự ít ra cả chục cuộc nói chuyện như thế này với các bác sĩ tâm bệnh của Susan, và theo như tôi biết, không ai trong họ lạc quan như tôi đây. Bà không cảm thấy vui thay vì buồn sao?".

"Tôi chỉ nghĩ sao mà cuộc đời của Susan khó khăn đến thế," Bà X. đầm đìa nước mắt trả lời.

"Này, bà X.", tôi nói. "Có điều gì tôi có thể nói với bà về Susan để làm cho bà cảm thấy phấn khởi và vui mừng về Susan không?"

"Cuộc đời của Susan tội nghiệp quá đầy đau khổ, " Bà X. than vãn.

Bất chợt tôi nhận ra rằng bà X. không khóc vì Susan nhưng vì chính bà. Bà khóc vì sự đau khổ và chịu đựng của bà. Cuộc nói chuyện là nói về Susan, không phải nói về bà, nhưng bà đã mượn danh nghĩa của Susan mà khóc. Làm thế nào mà bà có thể làm được như thế, tôi tự hỏi. Và rồi tôi nhận ra rằng bà X. thực tế không thể phân biệt được giữa Sussan và bà. Điều bà cảm thấy, Susan phải cảm thấy. Bà đang dùng Susan như một phương tiện diễn đạt những nhu cầu của chính bà. Bà không làm điều này một cách có ý thức hoặc có ác tâm; ở một mức độ tình cảm quả thực bà không thể nhận thấy Susan có một bản thể khác biệt với bản thể của bà. Susan là bà. Trong tâm trí của bà một Susan duy nhất, khác biệt, với một con đường duy nhất, khác biệt đơn giản là không tồn tại được - mà chắc chắn, cũng không ai khác là như thế được. Về mặt trí tuệ, bà X. có thể nhận ra người khác biệt với bà. Nhưng trên một mức độ cơ bản hơn người khác không tồn tại đối với bà. Trong thâm tâm bà, toàn thế giới chính là bà, bà X., một mình bà.

Khó khăn mà con người thường gặp phải trong việc nhận thấy rõ ràng sự khác biệt của những người mà mình thân thiết không những gây cản trở cho việc làm cha làm mẹ mà còn cho mọi mối quan hệ thân mật, kể cả hôn nhân. Cách đây không lâu trong một nhóm các đôi vợ chồng tôi đã nghe một thành viên nói rằng "mục đích và chức năng" của vợ anh ta là giữ cho nhà cửa ngăn nắp và cho anh ta ăn ngon. Tôi kinh ngạc trước cái luận điệu đàn ông thống trị om sòm tệ hại của anh ta. Tôi nghĩ tôi phải cho anh thấy điều này bằng cách hỏi những thành viên khác trong nhóm để họ nói xem họ nhận thức như thế nào về mục đích và chức năng của người bạn đời. Tôi hảng hồn, sáu người khác, nam cũng như nữ, đều đưa ra những câu trả lời rất tương tự như thế. Tất cả họ đều xác định mục đích và chức năng của chồng hoặc vợ mình qui chiếu theo chính họ; tất cả đều không nhận thức được rằng người bạn đời của họ có thể có một sự hiện hữu khác biệt về cơ bản với sự hiện hữu của chính họ hay một số phận nào đó tách rời khỏi cuộc hôn nhân của họ. "Thật đáng buồn," tôi kêu lên. "Thảo nào tất cả quí vị đều có những khó khăn trong hôn nhân, và quí vị sẽ còn tiếp tục có những khó khăn cho đến khi nào quí vị nhận ra rằng mỗi người trong quí vị có một số phận riêng biệt để hoàn thành." Cả nhóm cảm thấy không những bị trừng trị mà còn vô cùng bối rối vì tuyên bố của tôi. Rồi như thể gây chiến, họ yêu cầu tôi xác định mục đích và chức năng của vợ tôi. "Mục đích và chức năng của Lily", tôi đáp, "Là trưởng thành đến mức tốt nhất mà cô có thể, không phải nhằm lợi ích của tôi nhưng cho chính cô và nhằm sự vinh quang của Thượng Đế". Dầu sao thì quan niệm đó vẫn lạ lẫm đối với họ một thời gian.

Vấn đề khác biệt trong những mối quan hệ thân thiết đã gây rắc rối cho loài người suốt bao đời nay... Các cô nhi quả phụ có thể chết đói, nhưng điều này không ngăn cản nhà doanh nghiệp hưởng thụ những thành quả của sáng kiến cá nhân họ. Thật là hiển nhiên đối với bất cứ đầu óc sáng suốt nào là cả hai giải pháp thuần túy cho vấn đề khác biệt trong những mối quan hệ đều sẽ không thành công. Sự lành mạnh của cá nhân phụ thuộc vào sự lành mạnh của xã hội; sự lành mạnh của xã hội phụ thuộc vào những cá nhân của xã hội đó. Khi tham gia sinh hoạt với các đôi vợ chồng vợ tôi và tôi đã rút ra được sự giống nhau giữa hôn nhân và một trại nghỉ chân của những người leo núi. Nếu người ta muốn leo núi, người ta phải có một trại dừng chân tốt, một nơi có chỗ trú thân và lương thực dự trữ, ở đó người ta có thể ăn uống và nghỉ ngơi trước khi dấn thân về phía trước tìm kiếm một đỉnh cao khác. Những nhà leo núi thành công biết rằng họ phải bỏ thời gian chăm sóc cho trại nghỉ chân ít nhất cũng bằng, nếu không nhiều hơn, với thời gian họ thực sự dành để leo núi, vì họ thấy rằng sự sống còn của họ tùy thuộc vào trại nghỉ chân có được xây dựng kiên cố và được dự trữ tốt hay không.

Một vấn đề trong hôn nhân, rất phổ biến thuộc cánh đàn ông do anh chồng gây ra, đó là sau khi kết hôn, anh ta dốc hết năng lực để leo núi và không hề quan tâm gì đến cuộc hôn nhân, tức trại nghỉ chân, nhưng kỳ vọng nó vẫn trật tự hoàn hảo mỗi khi anh quay lại đó nghỉ ngơi và thư giãn mà không có một trách nhiệm gì để bảo quản và duy trì nó. Sớm muộn gì cách tiếp cận "tư bản" vấn đề này cũng sẽ thất bại và anh quay về thấy cái trại nghỉ chân không được quan tâm của mình là một mớ lộn xộn, người vợ bị bỏ mặc đã nằm viện do suy nhược thần kinh, hay đã bỏ theo một người đàn ông khác, hay dưới một hình thức nào đó chị đã buông xuôi việc trông nom trại rồi. Một vấn đề trong hôn nhân cũng phổ biến, thuộc cánh phụ nữ do chị vợ gây ra, đó là sau khi kết hôn, chị cảm thấy mục đích cuộc đời đã đạt được. Đối với chị trại nghỉ chân chia là tột đỉnh. Chị không thể hiểu hoặc thấu cảm nhu cầu của anh chồng về thành đạt và về những kinh nghiệm bên ngoài hôn nhân nên chị phản ứng lại bằng ghen tuông và những đòi hỏi bất tận rằng chồng chị phải cống hiến năng lượng này một nhiều hơn cho gia đình. Giải pháp này tạo nên một mối quan hệ ngột ngạt và phản tác dụng, từ đó người chồng cảm thấy bị sập bẫy và bị hạn chế, nên có thể sẽ đào tẩu trong một khoảnh khắc "Khủng hoảng tuổi trung niên". Phong trào giải phóng phụ nữ đã hữu ích trong việc chỉ đường đến cái điều hiển nhiên là giải pháp lý tưởng duy nhất: hôn nhân như một thiết chế hợp tác đích thực, đòi hỏi những đóng góp và quan tâm lẫn nhau rất lớn, đòi hỏi thời gian và năng lượng, nhưng có mục đích chủ yếu là nuôi dưỡng mỗi thành viên trong cuộc hành trình cá nhân tiến đến tột đỉnh cá nhân của sự trưởng thành tinh thần. Cả người nam và người nữ phải vừa quan tâm đến tổ ấm vừa phải dấn bước về phía trước.

Khi còn là thanh niên tôi thường rung động với câu nói về tình yêu mà thi sĩ Mỹ thời xưa Anh Bradstreet, đã nói với chồng bà: "Nếu đã từng có hai là một, thì đó là chúng ta." 1

Tuy nhiên khi lớn lên, tôi đã nhận ra rằng chính sự khác biệt của vợ chồng làm phong phú cho mối hiệp nhất đó. Những cuộc hôn nhân thành công không thể xây dựng bằng những cá nhân sợ hãi sự cô đơn cơ bản của mình, như thường thấy, và đi tìm sự hòa tan trong hôn nhân. Tình yêu đích thực không chỉ tôn trọng cá tính của người khác mà thực ra còn tìm cách vun trồng nó dù có nguy cơ chia ly hoặc mất mát. Mục đích cuối cùng của cuộc đời vẫn là sự trưởng thành tinh thần của cá nhân, cuộc hành trình đơn độc đến những đỉnh cao chỉ có thể leo một mình. Những cuộc hành trình quan trọng không thể được hoàn thành nếu không có sự nuôi dưỡng được cung cấp từ một cuộc hôn nhân thành công hoặc một xã hội thành công. Hôn nhân và xã hội hiện hữu vì mục đích căn bản của nuôi dưỡng những cuộc hành trình cá nhân như thế. Nhưng, cũng như trường hợp của mọi tình yêu đích thực, những "hy sinh" vì sự trưởng thành của người khác bao giờ cũng mang lại sự trưởng thành tương xứng hoặc lớn hơn của chính bản thân mình. Chính việc cá nhân quay trở lại nuôi dưỡng hôn nhân hoặc xã hội từ những đỉnh cao mình đã một mình đi đến sẽ nâng hôn nhân hoặc xã hội đó lên đến những tầng cao mới. Bằng cách này sự trưởng thành cá nhân và sự trưởng thành xã hội phụ thuộc nhau, nhưng cô đơn chắc chắn vẫn luôn luôn ở trên bờ trưởng thành. Chính từ sự cô đơn minh triết của mình mà một lần nữa nhà tiên tri của Kahlil Gibran nói với chúng ta về cuộc hôn nhân đó:

Nhưng hãy để chừa những khoảng cách khi các bạn ở bên nhau.
Và hãy để gió trời nhảy múa giữa các bạn.
Hãy yêu nhau, nhưng đừng biến thành mối dây ràng buộc tình yêu.
Hãy để nó làm biển động giữa những bến bờ tâm hồn các bạn.
Hãy rót đầy chén của nhau nhưng đừng uống chung một chén.
Hãy cho nhau bánh của các bạn nhưng đừng ăn chung một bánh.
Hãy ca hát nhảy múa vui chơi, nhưng hãy để mỗi người được một mình.
Ngay cả những sợi dây của một cây đàn cũng một mình dù chúng cùng rung theo một nhạc điệu.
Hãy trao trái tim nhưng đừng cầm giữ trái tim của nhau.
Bởi vì chỉ bàn tay sự sống mới có thể chứa đựng nổi trái tim của bạn.
Và hãy đứng với nhau đừng quá sát gần nhau.
Vì những cột đền đứng tách riêng.
Và cây sồi cùng cây trắc bá không mọc dưới bóng của nhau. 1

M.Scott Peck
Nguồn: Hành trình trưởng thành đích thực - NXB Văn hóa thông tin
Bản điện tử:http://chungta.com/tulieu/tu-lieu-tra-cuu/ban_ve_tinh_yeu/default.aspx
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Diễn đàn

Bài đăng mới nhất