Tầng lớp trí thức là gì?

“Tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội” - cái định nghĩa về tầng lớp trí thức mà “lý thuyết hữu cơ về xã hội” đưa ra ngày xưa hiện đã bị bác bỏ rồi; mặc dù vậy, chúng tôi hoàn toàn chấp nhận định nghĩa này vì tuy về hình thức, nó chưa đạt nhưng nội dung thì lại rất sâu sắc. Lịch sử tầng lớp trí thức Nga là lịch sử nhận thức của người Nga vì trí thức chính là người truyền bá nhận thức. I. Aksakov[1] hoàn toàn có lý khi định nghĩa tầng lớp trí thức là “những người tự nhận thức” và chỉ ra rằng tầng lớp trí thức “không phải là một đẳng cấp, không phải là giai cấp, cũng không phải là một liên hiệp hay một nhóm nào... Đấy cũng không phải là một tập hợp mà là toàn bộ các lực lượng sống động xuất phát từ nhân dân...”

Tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội, là toàn bộ các lực lượng sống động của nhân dân... Chúng tôi đồng ý với định nghĩa này, đồng thời không thể không lưu ý đến sự thiếu hụt rõ ràng của nó; đây là những định nghĩa đúng đắn nhưng mơ hồ, cần phải được giới hạn lại và tách hẳn nó ra. Nhận thức của nhân dân là gì? Lực lượng sống động của nhân dân biểu lộ như thế nào? Đấy là những câu hỏi cần trả lời, cần phải giới hạn thuật ngữ “tầng lớp trí thức” trong khuôn khổ hoàn toàn xác định, cần phải tách hẳn nó ra khỏi những khái niệm gần gũi khác bằng những đường phân định rõ ràng. Nói cách khác, trước hết cần phải tìm cho bằng được những đặc trưng cơ bản của khái niệm mà chúng ta đang tìm cách định nghĩa.

Đặc trưng đầu tiên và quan trọng nhất là: tầng lớp trí thức là một nhóm xã hội nhất định; đặc trưng này tạo cho ta khả năng xác định điểm xuất phát của công việc mà ta dự định tiến hành và cùng với những đặc trưng khác, tìm ra thời điểm hình thành tầng lớp trí thức Nga và xuất phát điểm của lịch sử của nó. Đặc điểm này chỉ rõ sự khác nhau căn bản giữa “những người trí thức” đơn lẻ và tầng lớp trí thức, theo nghĩa là một nhóm người. “Những người trí thức” đơn lẻ thì lúc nào cũng có, nhưng tầng lớp trí thức lại chỉ xuất hiện khi có sự liên kết mật thiết những người trí thức đơn lẻ thành một nhóm thống nhất, hoàn chỉnh. Những người, do quá trình lao động mà có một khối lượng kiến thức nhất định hay những người có quan hệ nhất định đối với các vấn đề đạo đức-xã hội học thì lúc nào cũng có và mãi mãi sẽ có, nhưng họ chưa tạo thành tầng lớp trí thức, theo nghĩa là một nhóm người. Thí dụ, trong thế kỷ XVI, công tước Kurbsky[2], Ivan Bạo chúa[3], Feodosy Kosoi[4], một người vô chính phủ Nga đặc trưng; hay trong thế kỷ XVII, Matveev[5], Kotoshikhin[6], Khvorostinin[7]; trong thế kỷ XVIII, Pëtr I[8], Tatishev[9], Lomonosov[10]... đã là những người trí thức; nhưng trong thế kỷ XVI, thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII nước Nga chưa có tầng lớp trí thức. Tương tự như thế, hiện nay cũng có “những nhà trí thức” đơn lẻ, do quá trình lao động mà có một khối lượng rất lớn kiến thức nhưng họ không tham gia vào tầng lớp trí thức; như chúng ta sẽ thấy sau đây, một viện sĩ hay một giáo sư siêu đẳng có thể không thuộc vào tầng lớp trí thức theo nghĩa mà Lavrov[11] nhận xét: thuật ngữ “tầng lớp trí thức” không liên quan đến những khái niệm về bất cứ nghề nghiệp nào. Một người nông dân vừa thoát nạn mù chữ cũng có thể thuộc về tầng lớp trí thức, nhưng không tấm bằng đại học nào có thể cấp cho người chủ của nó quyền tự coi mình thuộc tầng lớp trí thức. Sau đây chúng ta sẽ trở lại vấn đề này, bây giờ xin tiếp tục theo dõi những đặc trưng chủ yếu tiếp theo của khái niệm mà chúng ta đang khảo sát.

Như vậy là, tầng lớp trí thức là một nhóm xã hội xác định; đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để nói lên bản chất của khái niệm “tầng lớp trí thức”. Lúc nào cũng tồn tại “những người trí thức” đơn lẻ, tương tự như thế, lúc nào cũng tồn tại những nhóm cố kết của những người có học nhất trong thời đại của mình, họ tập hợp lại vì đồng tình với những cương lĩnh hay những hành động nào đó. Thí dụ, trong thế kỷ XV ở Nga đã có những nhóm “trí thức” đoàn kết, một mặt, xung quanh Nil Sorsky[12], và mặt khác, xung quanh Iosef Volosky[13]; tất cả những người bất đồng tôn giáo trong những thế kỷ sau đều tập hợp thành những nhóm với một tư tưởng nào đó. Như thế nghĩa là các mâu thuẫn chính trị đã chia người Nga thành những nhóm riêng biệt; thí dụ từ thế kỷ XVI xu hướng thân phương Tây đã thể hiện rõ trong những nhóm trí thức và vì thế chúng ta có đảng của những người ủng hộ Maxim Grek[14]; thế kỷ XVII chúng ta có cái gọi là Đảng Ba Lan trong tầng lớp quý tộc-phong kiến, sau này chúng ta lại có Trường phái Kiev; đầu thế kỷ XVIII lại có nhóm quý tộc và nhóm xung quanh Tatishev. Nhưng chúng ta vẫn không thể coi lịch sử tầng lớp trí thức Nga, như một nhóm người, kể từ Nil Sorsky, Lomonosov, Tatishev hay Pëtr Mogila[15] được: đấy chỉ là những nhóm tách biệt, không có tính kế thừa cả về mặt logic lẫn lịch đại; đấy chỉ là những sự kiện, tuy rất quan trọng đối với lịch sử văn hóa Nga, nhưng không có quan hệ gì với lịch sử của tầng lớp trí thức Nga.

Như vậy, đặc trưng thứ hai của tầng lớp trí thức là tính kế thừa - tầng lớp trí thức là một nhóm mang tính kế thừa, hay nói bằng ngôn ngữ toán học: là một hàm liên tục. Nhóm trí thức Nga như thế tồn tại từ giữa thế kỷ XVIII, từ đó, tức là từ thời Novikov Fonvizin[16] và Radishev[17] đến nay, giới trí thức Nga đã tồn tại được một trăm năm mươi năm; nó lớn lên, phát triển, đôi khi chia thành các phân nhóm. Nhưng sự phát triển của nó là liên tục, nó là một nhóm mang tính kế thừa. Có một tư tưởng chung (chúng ta sẽ xem xét tư tưởng này sau) liên kết nhóm này thành một khối thống nhất, không đứt đoạn; ngoài ra, không phụ thuộc vào tư tưởng này, từ giữa thế kỷ XVIII, giới trí thức Nga còn được liên kết bởi một hành động chung: cuộc đấu tranh giải phóng. Cuộc đấu tranh kéo dài hàng trăm năm, mang tính sử thi này đã cố kết tầng lớp trí thức Nga thành một khối với sức kháng cự chưa từng có; cuộc đấu tranh này đã tôi luyện tầng lớp trí thức Nga như lửa tôi thép; cuộc đấu tranh này rèn tầng lớp trí thức Nga thành một loại vũ khí không nước nào có, không dân tộc nào có thể có.

Xác định trí thức như là một nhóm người có tính kế thừa là chúng ta đã đặt giới hạn cho công cuộc nghiên cứu của chúng ta: lịch sử tầng lớp trí thức Nga xuất phát từ một nhóm, lần đầu tiên coi cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân là nhiệm vụ của mình; nửa sau thế kỷ XVIII chỉ là khởi đầu của tiến trình lịch sử mà thế kỷ XIX đã triển khai một cách rộng rãi nhất. Đây là tác phẩm dành cho việc nghiên cứu cái lịch sử đó, nhưng trước khi tiến hành nghiên cứu, chúng ta đã có thể chỉ rõ hai đặc trưng nữa của tầng lớp trí thức Nga: tính phi đẳng cấp và phi giai cấp của nó.

Đây là hai đặc trưng tách biệt hẳn tầng lớp trí thức mang tính kế thừa khỏi những nhóm tôn giáo hoặc chính trị từng tồn tại trước đó ở nước Nga: tất cả các nhóm này đều mang tính đẳng cấp hoặc tính giai cấp.

Thế kỷ XVIII, lần đầu tiên tầng lớp trí thức rũ bỏ được lý tưởng giai cấp và bằng cách đó, dù là đẳng cấp về mặt thành phần, họ đã trở thành phi đẳng cấp về mặt mục tiêu. Nhóm các nhà hoạt động xã hội đứng đầu là Novikov[18] và Radishev ở cuối hàng, hạt giống của tầng lớp trí thức Nga, về thành phần là quý tộc-điền chủ, nghĩa là mang tính giai cấp-đẳng cấp, nhưng họ đã hy sinh quyền lợi giai cấp, trong trường hợp này là quyền lợi của các điền chủ, cho lý tưởng chung; mục tiêu của đẳng cấp đã bị loại bỏ khỏi thế giới quan của họ. Về mặt thành phần thì tầng lớp trí thức Nga mang tính giai cấp và đẳng cấp, nhưng về nhiệm vụ đặt ra và mục tiêu theo đuổi thì họ là nhóm người phi giai cấp và phi đẳng cấp một cách sâu sắc. Đầu thế kỷ XIX về mặt thành phần thì tầng lớp trí thức Nga còn mang tính đẳng cấp hơn nữa, nhưng đồng thời nó còn kiên quyết cắt đứt khỏi mọi liên hệ với quyền lợi đẳng cấp của mình hơn nữa; không phải ngẫu nhiên mà ngày 14 tháng 12 năm 1825 những nhà quý tộc lâu đời và những điền chủ lớn đã cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính[19]mà nếu thành công thì sẽ tấn công ngay vào giai cấp, tấn công vào đẳng cấp của họ. Sau năm 1825 tầng lớp trí thức Nga tiếp tục mang tính đẳng cấp về mặt thành phần nhưng phi đẳng cấp về nhiệm vụ và mục tiêu; nhưng từ đó trở đi tính đẳng cấp trong thành phần trí thức đã trở thành quy luật có ngoại lệ, mà đây là những ngoại lệ như Polevoi[20], Nadezhdin[21]và Belinski[22]. Nói cho ngay, “một con én không làm nên mùa xuân”, nhưng nó báo hiệu mùa xuân sắp về; trong những năm 1860 xuất hiện một đám đông các “thông ngôn ký lục”[23]và họ lập tức đứng vào hàng đầu của tầng lớp trí thức Nga. Từ đó trở đi tầng lớp trí thức Nga trở thành phi đẳng cấp và phi giai cấp không chỉ về nhiệm vụ, mục tiêu và lý tưởng mà còn phi giai cấp về thành phần nữa; đấy cũng là lúc, và dĩ nhiên không phải là vô tình, xuất hiện thuật ngữ “tầng lớp trí thức” theo nghĩa hiện đại của từ này.

Tầng lớp trí thức là một nhóm phi giai cấp, phi đẳng cấp và mang tính kế thừa - cơ cấu của tầng lớp trí thức và ranh giới phân biệt nó với những khái niệm khác được quyết định bởi bốn đặc trưng mang tính hình thức này. Nhưng cần phải nhấn mạnh ngay rằng cả bốn đặc trưng này chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng có một nhóm nữa, cũng mang tính kế thừa, cũng phi giai cấp và phi đẳng cấp nhưng lại trái ngược hoàn toàn với tầng lớp trí thức; chúng ta sẽ định nghĩa nhóm này bằng thuật ngữ “tiểu tư sản”, dùng thuật ngữ này để kết nối vào một nhóm mang tính kế thừa những người nằm ngoài đẳng cấp, nằm ngoài giai cấp về mặt luân lý, về mặt thiếu cá tính, về sự hạn hẹp và nông cạn trong thế giới quan của họ. Bây giờ chúng ta chỉ cần mô tả bằng những đường nét chung nhất rằng nếu về mặt xã hội học, tầng lớp trí thức là một nhóm có tính kế thừa, phi đẳng cấp và phi giai cấp thì về mặt đạo đức, nó trước hết là nhóm chống lại thói tiểu tư sản. Lavrov là người đầu tiên đưa ra tư tưởng này, ông cũng là người đầu tiên định nghĩa khái niệm “tầng lớp trí thức”, chúng ta sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng hơn cách giải quyết nói chung là đúng của ông.

Lavrov không sử dụng thuật ngữ “tầng lớp trí thức”, nhưng đã đưa khái niệm này vào thành ngữ: “những cá nhân có tinh thần phê phán”, bị người đời chế giễu một cách ghê gớm và cũng bị hiểu sai một cách ghê gớm từ đó. Không hiểu sao người ta lại cho rằng “cá nhân có tinh thần phê phán” là “anh hùng”, là lãnh tụ của đám đông, là nhà hoạt động nhằm sáng tạo lịch sử theo quan điểm và ước muốn của mình, hướng tiến trình lịch sử theo nguyên tắc: "Vì chúng tôi muốn như thế”[24]. Không có gì sai lầm hơn là cách hiểu như thế, vì hệ thống thuật ngữ của Lavrov chỉ nhằm nói đến nhu cầu giới hạn và thậm chí thu hẹp cái thuật ngữ “giới trí thức” lại mà thôi. Nói chung người ta sẵn sàng coi, như chúng tôi đã chỉ ra bên trên, tất cả những người có một trình độ học vấn nào đó đều là trí thức cả: người ta đánh đồng tất cả những người “có học” với thành phần của giới trí thức, mà quên mất rằng tự thân không một bằng cấp nào có thể biến một người “có học” thành “trí thức” được. Còn có nhiều người hơn sẵn sàng coi bộ phận “văn minh” hay “có văn hóa” của xã hội là trí thức nữa, trong khi trình độ văn hóa cũng như trình độ học vấn chỉ là hình thức bên ngoài, không quyết định được nội dung bên trong. Lavrov nhấn mạnh vấn đề này một cách đặc biệt kiên nhẫn, để làm như thế ông đã vẽ ra hẳn một giới tuyến phân biệt giữa văn hóa và văn minh. Chúng tôi xin nhắc lại một cách ngắn gọn lý thuyết, được trình bày trong “Những bức thư lịch sử” nổi tiếng của ông.

Không phải kẻ nào nói “Chúa, Chúa” cũng vào được nước trời; không phải người “có văn hóa” nào cũng vào được nhóm những người có tư tưởng phê phán, nghĩa là vào nhóm trí thức. “Văn hóa”, Lavrov bảo, là “thành tố mang tính sinh vật trong cuộc sống của loài người”, chỉ có tư duy mang tính phê phán trên nền tảng của văn hóa mới tạo ra được văn minh: “khi tư duy trên nền tảng của văn hóa tạo ra cuộc sống xã hội theo những đòi hỏi của khoa học, nghệ thuật và đạo đức thì văn hóa trở thành văn minh và xuất hiện lịch sử loài người”. Nhưng nhiều việc đối với thế hệ trước là kết quả của tư duy phê phán thì đối với thế hệ sau đã là “thành tố mang tính sinh vật” quen thuộc. Như vậy là, “cái phần văn minh của thế hệ cha anh, dưới hình thức thói quen và truyền khẩu, chính là thành tố văn hóa mang tính sinh vật trong đời sống của các thế hệ sau và thế hệ mới phải tư duy một cách có phê phán trên cái nền văn hóa đã quen thuộc đó, để cho xã hội không rơi vào trạng thái trì trệ, để nó có thể nhìn thấy trong số những thói quen và truyền khẩu được thừa hưởng đó những điều có thể giúp cho quá trình tư duy trên con đường tiến đến chân lý, tiến đến cái đẹp và công bằng, vứt bỏ tất cả những thứ đã lỗi thời và tạo ra một nền văn minh mới, một thiết chế văn hóa mới, được hồi sinh bằng tư duy”... Và tiến trình đó cứ lặp đi lặp lại trong mỗi thế hệ; nhiệm vụ của tiến bộ nằm chính trong quá trình thay thế văn hóa bằng văn minh theo trật tự như thế. “Nền văn hóa của xã hội chính là môi trường, do lịch sử để lại, cho tiến trình tư duy... Tư duy là (bỏ chữ nhà) hoạt động duy nhất có thể biến được nhân phẩm thành văn hóa. Lịch sử tư tưởng, do văn hóa chế định, trong quan hệ với lịch sử văn hóa, đến lượt mình văn hóa lại biến dịch dưới ảnh hưởng của tư duy - đấy là toàn bộ lịch sử của nền văn minh”...

Dĩ nhiên là cái sơ đồ mang tính duy lý đặc trưng cho giai đoạn những năm 1860 đó không thể làm chúng ta thỏa mãn, đấy là chưa nói đến hệ thống thuật ngữ xưa cũ của Lavrov cũng không thể chấp nhận được. Nhưng hiểu một cách có điều kiện đoạn viết về sự đối lập giữa văn hóa và văn minh đưa chúng ta đến một kết luận không thể nào thay đổi được, đấy là không thể đồng nhất một người “có văn hóa” với một “người có tư tưởng phê phán”: khái niệm thứ nhất rộng hơn khái niệm thứ hai và không phải người “có văn hóa”, có học nào cũng là người thuộc giới trí thức. Trong khi chứng minh điều này, Lavrov nhấn mạnh rằng ngay cả một nghề “có văn hóa” nhất cũng không thể cấp cho người ta cái bằng “trí thức”. “... Các giáo sư và các viện sĩ”, Lavrov nói, “tự bản thân họ, nếu chỉ là như thế, không có và không có tí quyền nào trong việc tự coi mình là thuộc ‘thành phần trí thức’... Có người viết hàng loạt trước tác khoa học nhưng vẫn chỉ là kẻ sùng bái đời sống văn hóa, trong khi một người thợ thủ công, tranh thủ thời gian rỗi để hoàn thiện bản thân mình lại đứng cao hơn ông ta mấy bậc trên nấc thang của giới trí thức... Bao nhiêu kỳ thi, bao nhiêu văn bằng chính thức cũng không cho nó (giới trẻ Nga) quyền được coi mình là thuộc giới trí thức, cái giới vốn là hiện thân của đời sống tư tưởng của nước Nga... Chỉ do nhầm lẫn mà người ta mới có thể liệt những kẻ chuyên phục vụ cho tệ sùng bái văn hóa vào hàng ngũ trí thức” (“trích bản thảo những năm 90”). Nói cách khác, Lavrov loại những người tiểu tư sản có văn hóa ra khỏi nhóm những người có tư tưởng phê phán, ông gọi những người tiểu tư sản kia là “bọn mọi rợ có văn hóa cao”.

Những kẻ mọi rợ có văn hóa cao này tạo ra đa số tuyệt đối trong thành phần có văn hóa của xã hội, họ có mặt khắp nơi, ở đâu ta cũng có thể gặp: “họ có tiền của, họ tạo ra dư luận xã hội, họ nắm đa số trong các cơ quan quản lý mang tính tập thể và trong các cơ quan lập pháp, họ nắm quyền lãnh đạo nhiều cơ quan ngôn luận, họ có chân trên các bục giảng của các trường đại học và trong các tổ chức khoa học, trong các viện hàn lâm”... Dưới đây, khi xem xét cụ thể hơn khái niệm “tiểu tư sản”, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những điều vừa nói cung cấp một đặc trưng mang tính tiêu cực của khái niệm mà chúng ta đang tìm cách xác định: người tiểu tư sản về mặt đức dục không phải là tầng lớp trí thức. Các định nghĩa mang tính phủ định đó tạo ra giới hạn và tách biệt khái niệm tầng lớp trí thức với các khái niệm tương tự.

Cuối cùng chúng ta đi đến kết luận sau: tầng lớp trí thức, được định nghĩa về mặt xã hội học như một nhóm người phi đẳng cấp, phi giai cấp, có tính kế thừa và chống thái độ tiểu tư sản về mặt đức dục. Nhưng định nghĩa này hóa ra cũng vẫn chưa đủ, vì nó được xây dựng trên những đặc trưng tiêu cực. Chúng ta sẽ cùng thử tìm hiểu những đặc trưng mang tính tích cực nội tại của khái niệm này. Rõ ràng là chỉ sử dụng các đặc trưng mang tính hình thức thì chưa đủ vì không có đặc trưng hình thức nào có thể cho phép phân biệt tiến bộ với phản động. Chúng ta lại trở về với Lavrov, vì bức thư thứ mười trong “Những bức thư lịch sử” của ông là dành để chứng minh tư tưởng vừa nêu và vì tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với vấn đề giới trí thức mà chúng ta đang xem xét[25].

Chúng ta sẽ thảo luận về lịch sử giới trí thức Nga sau, còn ở đây xin chỉ dừng lại ở những đặc trưng mang tính tích cực của nó. Một lần nữa chúng ta lại gặp Lavrov.

Có cảm tưởng như chính Lavrov đã đưa ra ở bên trên một công thức hoàn toàn xác định, cho phép chỉ thẳng ra cái đặc trưng hoàn toàn xác định về tầng lớp trí thức: người “có văn hóa”, dùng tư duy để biến nền văn hóa cũ thành nền văn minh mới, là một người có tư tưởng phê phán; như vậy nghĩa là sự sáng tạo của tư duy dường như là đặc trưng mang tính tích cực. Nhưng không phải như vậy, hay nói chính xác hơn, không hoàn toàn như vậy và chính Lavrov đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sáng tạo chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ để chứng tỏ một người có thuộc về giới trí thức hay không (xem bức thư thứ năm của ông). Lavrov đã chỉ rõ một cách hoàn toàn đúng đắn rằng văn học, nghệ thuật, khoa học - những lĩnh vực sáng tạo chủ yếu - “tự bản thân chúng không phải và không tạo ra được tiến bộ. Chúng chỉ cung cấp cho nó công cụ. Chúng tích luỹ sức mạnh. Nhưng chỉ có nhà văn, người nghệ sĩ hay nhà khoa học nào thực sự phục vụ cho tiến bộ, người nào làm tất cả mọi việc có thể nhằm ứng dụng cái sức mạnh mà mình thu thập được cho việc quảng bá và củng cố nền văn minh của thời đại mình, người nào đấu tranh với cái xấu; người nào thể hiện được các lý tưởng nghệ thuật, các chân lý khoa học, các tư tưởng triết học, các khát vọng của dân chúng vào tác phẩm mang đầy dấu ấn của thời đại mình và vào hành động, tương hợp hoàn toàn với phẩm chất sức mạnh của anh ta”... Nói cách khác: tự thân hành động sáng tạo không phải là đặc điểm của tầng lớp trí thức mà chủ yếu là mục tiêu của sáng tạo và tính chủ động trong việc theo đuổi mục tiêu; tự bản thân cả khoa học lẫn nghệ thuật “đều không phải là tiến bộ...; tự bản thân, cả tài năng lẫn kiến thức đều không thể làm cho con người trở thành động lực của tiến bộ”... Như vậy là, theo Lavrov, đặc điểm mang tính tích cực của những cá nhân có tư tưởng phê phán là sáng tạo ra những hình thức và lý tưởng mới, nhưng là sáng tạo hướng đến mục tiêu nhất định và tính cực hoạt động để đạt mục tiêu đó. Mục tiêu của sáng tạo là biến tiến trình lịch sử thành tiến bộ, mà tiến bộ, theo Lavrov, chính là sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức của cá nhân trong quá trình đưa chân lý và công bằng vào các hình thức xã hội. Theo định nghĩa này, người có tư tưởng phê phán có đặc điểm là sáng tạo và tích cực đưa những lý tưởng mới, những hình thức mới, hướng đến việc giải phóng cá nhân, vào cuộc sống.

Dĩ nhiên là chúng tôi không bảo phải chấp nhận toàn bộ lý thuyết của Lavrov. Niềm tin vào sức mạnh toàn năng của những người có tư tưởng phê phán, vốn là cơ sở của lý thuyết của Lavrov, niềm tin vào sức mạnh vô địch của giới trí thức nay đã hoàn toàn không chấp nhận được nữa; nhưng chúng tôi còn cảm thấy xa lạ hơn với thái độ khinh thường quá đáng mà nhiều người gần đây vẫn thể hiện đối với tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp, nhằm vinh danh[26]hệ tư tưởng mang tính giai cấp, hơn nữa, điều đặc biệt trong thái độ khinh bỉ này là tất cả các nhà tư tưởng mang tính giai cấp này, trong đa số trường hợp, cũng lại là đại diện của chính cái tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp đó... Nếu ta cho rằng phái dân túy cũ đánh giá quá cao vai trò của tầng lớp trí thức thì chủ nghĩa Marx chính thống ở Nga lại quy giản nó thành con số không; đã đến lúc quay trở lại với cách đánh giá chính xác sức lực và giá trị của chính mình. Dĩ nhiên đây không phải là khẩu hiệu “quay lại với Lavrov!”: chúng tôi cho rằng mọi lời kêu gọi kiểu đó đều không đúng chỗ. Quá trình tự nhận thức của người Nga đã bước qua nấc thang Lavrov từ lâu rồi, nhưng, mặc dù không quay lại, chúng ta có thể coi ông là điểm xuất phát để đi theo nhiều hướng khác nhau. Trong vấn đề tầng lớp trí thức cũng phải làm như thế: từ lâu đã cần phải công nhận và công nhận một cách dứt khoát giá trị đạo đức cao và ảnh hưởng về mặt xã hội học, dù không trực tiếp, của cái thành phần cao cả nhất và tuyệt vời nhất này của xã hội Nga. Lý thuyết về sức mạnh vô địch của tầng lớp trí thức Nga dĩ nhiên là không thể hồi sinh được, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta công nhận rằng chỉ có trong tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp (về mặt xã hội học) và chống thái độ tiểu tư sản (về mặt đạo đức) mới diễn ra quá trình sáng tạo các hình thức mới và các lý tưởng mới, đưa đến mục tiêu phát triển và tự giải phóng cá nhân về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức. Dù ảnh hưởng tuyệt đối của giới trí thức có nhỏ đến đâu chăng nữa thì trí tuệ sống động của nhân dân vẫn nằm trong sự sáng tạo và lý tưởng của họ, vì trí thức chính là cơ quan nhận thức của nhân dân, là toàn bộ các lực lượng sống động của nhân dân. Cứ cho là tầng lớp trí thức không có nhiều ảnh hưởng về mặt xã hội học, nhưng thiếu sự sáng tạo của họ, thiếu các lý tưởng của họ thì bất kỳ xã hội “có văn hóa” nào, bất cứ giai cấp mạnh mẽ nào cũng sẽ trở thành đám đông của những tên “tiểu tư sản”...

Như vậy là, với câu hỏi “tầng lớp trí thức là gì?” chúng ta có thể trả lời như sau: tầng lớp trí thức là nhóm người chống thái độ tiểu tư sản về mặt đạo đức và phi đẳng cấp, phi giai cấp, có tính kế thừa về mặt xã hội học, có khả năng sáng tạo ra những hình thức mới và lý tưởng mới, tích cực hoạt động để biến chúng thành hiện thực nhằm giải phóng con người về mặt thể chất, trí tuệ và xã hội.

Định nghĩa này thu hẹp đáng kể nhóm trí thức về mặt số lượng, nhưng lại nâng cao đáng kể giá trị của nó về mặt chất lượng. Nhưng đấy chính là điều chúng ta mong muốn vì mở rộng quá mức khái niệm “tầng lớp trí thức”, đưa vào đó tất cả những người có một số lượng kiến thức giả định nào đó là hạ thấp giá trị đạo đức của tầng lớp trí thức. Nguyên tắc "quý hồ tinh bất quý hồ đa”[27]có thể được áp dụng cho trường hợp này.

Nhưng cái định nghĩa về tầng lớp trí thức nói trên vẫn chưa thể coi là cuối cùng: chúng ta còn phải xác định một cách chính xác sáng tạo là gì, tính tích cực thể hiện như thế nào và hướng hoạt động của tầng lớp trí thức là gì. Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng sự sáng tạo của tầng lớp trí thức Nga nằm ở “cuộc đấu tranh cho tính cá nhân”, cho cái Tôi của con người được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và ngày càng tỏa sáng, tính tích cực của nó được thể hiện bằng cuộc cuộc đấu tranh cho con người cá nhân, cuộc đấu tranh về mặt chính trị và xã hội, xu hướng sáng tạo của nó được quyết định bằng nguyên tắc “con người chính là mục tiêu”. Khám phá cái nền tảng của lịch sử một thế kỷ rưỡi, tức là xác định nội dung lịch sử của tầng lớp trí thức Nga là nhiệm vụ trực tiếp của chúng ta.

Năm 1907

IVANOV RAZUMNIK

PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG dịch và chú thích

Nguồn: Những cột mốc (Vekhi) - 1909

Ivanov-Razumnik(1878-1946) tên thật là Razumnik V. I., triết gia và nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga. Gần gũi với những người thuộc đảng Cách mạng-xã hội, tích cực ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Năm 1918 “tả” hơn cả Lenin, kiên quyết chống lại việc ký kết hiệp ước hòa bình với Đức (Hiệp ước Brest). Bị bắt giam nhiều lần.
____________________
Chú thích:
[1]Aksakov I. S. (1823-1886), nhà chính luận, nhà thơ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Nga.
[2]Kurbsky A. M. (1528-1583) là công tước và chỉ huy quân sự lỗi lạc, vì sợ Sa hoàng Ivan IV mà bỏ trốn sang Litva.
[3]Ivan IV (còn gọi là Ivan Bạo chúa (1530-1584), từ năm 1533 là Đại công tước, từ năm 1547 là Sa hoàng đầu tiên của nước Nga.
[4]Feodosy Kosoi (không biết năm sinh và năm mất), một trong những lãnh tụ của phong trào phân tranh thế kỷ XVI, năm 1553 phải chạy trốn sang Ba Lan.
[5]Matveev A. S. (1625-1682), bá tước, nhà ngoại giao và hoạt động nhà nước, nổi tiếng vì kiến thức uyên thâm của mình.
[6]Kotoshikhi G. K. (1630-1667), nhà văn, một trong những người bất đồng chính kiến đầu tiên ở Nga.
[7]Khvorostinin I. A. (năm sinh không rõ - mất năm 1625) chính khách và nhà văn Nga.
[8]Pëtr I (1672-1725), Sa hoàng từ năm 1682, hoàng đế từ năm 1721.
[9]Tatishev V. N. (1668-1750), nhà hoạt động nhà nước và sử học nổi tiếng.
[10]Lomonosov M. V. (1711-1765) nhà hóa học vĩ đại người Nga.
[11]P. L. Lavrov (1823-1900), nhà triết học và xã hội học người Nga, một trong những lý thuyết gia của phong trào dân túy cách mạng.
[12]Nil Sorsky (Mikhaikov Nikolai) (sinh khoảng năm 1433 mất năm 1508) nhà hoạt động xã hội và tôn giáo nổi tiếng người Nga.
[13]Iosef Volotsky (Ivan Sanin) (1439/40-1514) nhà hoạt động tôn giáo, nhà văn nổi tiếng.
[14]Maksim Grek (Mikhail Trivolis (khoảng năm 1475-1558), nhà hoạt động tôn giáo và nhà nước, nhà văn và dịch giả nổi tiếng.
[15]Mogila P. S. (1597-1647), giáo chủ Kiev, nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc.
[16]Fonvizin D. I. (1744/45-1972), nhà văn, nhà khai sáng người Nga.
[17]Radishev A. N. (1749-1802), nhà triết học duy vật, nhà văn Nga.
[18]Novikov N. I. (1744-1818), nhà văn, nhà khai sáng người Nga.
[19]Cuộc Khởi nghĩa tháng Chạp, những người tham gia sau này được gọi là Những người tháng Chạp – ND.
[20]Polevoi N. A. (1796-1848), nhà văn, nhà bình luận và nhà sử học Nga.
[21]Nadezhdin N. I. (1804-1858), nhà báo, nhà sử học và dân tộc học nổi tiếng.
[22]V. G. Belinski (1811-1848), nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga.
[23]Dịch thoát ý từ “raznotrinets”, tức là những người làm công việc lao động trí óc không xuất thân từ các đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, mà thường xuất thân từ thành phần công chức cấp thấp, thường có tư tưởng dân chủ.
[24]car telle est notre bonne volonté (tiếng Pháp trong nguyên bản - ND).
[25]“Giả sử rằng”, Lavrov nhận xét, “tiến bộ chính là sự phát triển của cá nhân và biến chân lý và công bằng thành các hình thức xã hội thì câu hỏi... về đặc trưng của các đảng tiến bộ và phản động sẽ khó giải quyết hơn nhiều vì chúng không có các đặc trưng nổi bật bên ngoài như thế”. Trong một chỗ khác Lavrov lại viết rằng “không một từ nào chứa đựng đặc quyền của sự tiến bộ: tiến bộ không thể nhét vừa bất cứ một cái khung mang tính hình thức nào. Hãy tìm nội dung của từng từ ngữ một. Hãy nghiên cứu điều kiện của thời đại đã cho và hình thức xã hội đã cho”.
[26]ad majorem gloriam (tiếng Latin trong nguyên bản - ND).
[27]Dịch thoát ý câu “non multa, sed multum” (tiếng Latin - ND).

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Diễn đàn

Bài đăng mới nhất